Diễn biến Chiến dịch Hồ Chí Minh thần tốc thống nhất đất nước



BỐI CẢNH LỊCH SỬ

Ngày 21/4/1975, Quân Giải phóng phá vỡ phòng tuyến Xuân Lộc - tuyến phòng thủ được ví như "cánh cửa thép" của Việt Nam Cộng hòa (VNCH) để giữ Sài Gòn. Các cánh quân giải phóng hình thành thế bao vây áp sát Sài Gòn trên 5 hướng: Hướng bắc là Quân đoàn 1; hướng tây bắc là Quân đoàn 3; hướng đông bắc là Quân đoàn 4, hướng đông nam là Quân đoàn 2 và hướng tây nam là Đoàn 232. Bộ Quốc phòng quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh với mục tiêu đánh thẳng vào đầu não chính quyền VNCH tại Sài Gòn, kết thúc chiến tranh. Bộ tư lệnh Chiến dịch gồm: Đại tướng Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh; ông Phạm Hùng (Bí thư Trung ương Cục miền Nam) làm Chính ủy.



TƯƠNG QUAN LỰC LƯỢNG


DIỄN BIẾN CHIẾN DỊCH

Ngày 28/4/1975

Biên đội 5 máy bay A37 do phi công Nguyễn Thành Trung dẫn đường cất cánh từ sân bay Thành Sơn (Phan Rang) vượt qua hệ thống phòng không của Sài Gòn, ném bom trúng sân bay Tân Sơn Nhất. Cuộc không kích đã phá hủy nhiều máy bay của VNCH và cắt đứt cầu hàng không duy nhất của địch. Hướng bắc: Tiểu đoàn VNCH cố thủ tại Tân Uyên đầu hàng. Đường tấn công của Quân đoàn 1 (đường 16) từ Tân Uyên đến Lái Thiêu được mở thông. Hướng đông: Lữ đoàn đặc công 316 nổ súng chiếm cầu Rạch Chiếc với nhiệm vụ giữ cây cầu này làm lối mở cho xe tăng Quân đoàn 2 tiến về Sài Gòn. Trận đánh giữ cầu diễn ra ác liệt với nhiều hy sinh. Căn cứ Nhơn Trạch của VNCH bị Sư đoàn 304 đánh chiếm. Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 cho triển khai ngay Lữ đoàn Pháo binh 164 tại đây để pháo kích sân bay Tân Sơn Nhất. Tuyến phòng thủ hướng đông nam Sài Gòn của Quân đoàn III - Quân lực Việt Nam Cộng hòa bị vỡ một mảng lớn. Tối 28/4, pháo binh từ Nhơn Trạch nã cấp tập vào sân bay Tân Sơn Nhất.

KẾT QUẢ: Sân bay Tân Sơn Nhất tê liệt. VỀ PHÍA VIỆT NAM CỘNG HOÀ: Tổng Tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn Cao Văn Viên, nguyên Thủ tướng Nguyễn Bá Cần và nhiều sĩ quan, nhân vật cao cấp của chính quyền Sài Gòn tháo chạy ra nước ngoài. Tướng Dương Văn Minh nhậm chức Tổng thống VNCH. Ông tuyên bố sẵn sàng đàm phán, nhưng lúc này Sài Gòn đã hoàn toàn bị bao vây.


Ngày 29/4/1975

Hướng đông bắc: Quân đoàn 4 đánh vào sân bay Biên Hòa và tổng kho Long Bình.

Hướng tây nam: Mũi tấn công của Đoàn 232 vượt qua Long An, đánh vào Bộ tư lệnh Biệt khu thủ đô

Hướng tây bắc: Quân đoàn 3 điều động Sư đoàn 320A tấn công căn cứ Đồng Dù từ sáng sớm. Giao tranh ác liệt đến trưa cùng ngày, Quân Giải phóng chiếm được căn cứ Đồng Dù. Cùng ngày, Sư đoàn 316 chiếm chi khu Tràng Bảng, giải phóng Tây Ninh. Cánh cửa phía tây bắc Sài Gòn đã được mở.

Theo kế hoạch, 5h30 ngày 30/4/1975, quân ta đồng loạt nổ súng tiến công vào Sài Gòn - Gia Định.

Riêng cánh quân phía đông, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã cho nổ súng đánh vào nội đô Sài Gòn lúc 18h ngày 29/4/1975, sớm hơn kế hoạch chung của chiến dịch 12 giờ.

Như vậy, trên thực tế, từ 18h ngày 29/4/1975, trận tiến công vào nội đô Sài Gòn - Gia Định đã bắt đầu.

Hướng đông: Quân đoàn 2 nhanh 

chóng vượt cầu trên sông Đồng Nai, diệt ổ đề kháng của địch ở Thủ Đức, phía bắc cầu Rạch Chiếc, tiến thẳng vào thành phố.

Ngày 30/4/1975

Đúng 5h30 sáng 30/4/1975, tất cả cánh quân đồng loạt đánh chiếm các mục tiêu trong thành phố Sài Gòn. Quân đoàn 3 chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tư lệnh không quân và Bộ Tư lệnh sư đoàn dù; Quân đoàn 1 đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu; Đoàn 232 đánh chiếm Biệt khu thủ đô, Tổng nha Cảnh sát và Bộ Tư lệnh Hải quân; Quân đoàn 4 giải phóng thành phố Biên Hòa, tiến về chiếm Bộ Quốc phòng, cảng Bạch Đằng và đài phát thanh; Quân đoàn 2 chiếm Dinh Độc lập.

Ở hướng của Quân đoàn 2, sau khi qua cầu Rạch Chiếc, Lữ đoàn xe tăng 203 tiến qua cầu Sài Gòn thì giao tranh ác liệt với đơn vị phòng ngự của địch. Đại đội trưởng Bùi Quang Thận và Chính trị viên Vũ Đăng Toàn chỉ huy xe tăng của đại đội 4 vượt qua cầu.

Tại cầu Thị Nghè, địch vẫn ngoan cố chống cự nhưng thất bại. Xe tăng 843 do Đại đội trưởng Bùi Quang Thận chỉ huy và xe tăng 390 dẫn đầu lực lượng đột kích tiến về phía Dinh Độc Lập.

Xe tăng 843 tiến vào trước, húc thẳng vào cổng phụ Dinh Độc Lập. Xe tăng 390 lao lên, húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập. Đại đội trưởng Bùi Quang Thận cầm cờ Giải phóng cắm trên nóc Dinh Độc Lập lúc 11h30 ngày 30/4/1975.

Sau đó, Quân Giải phóng bắt toàn bộ nội các chính quyền VNCH với người đứng đầu là Tổng thống VNCH Dương Văn Minh. Quân Giải phóng đưa Dương Văn Minh đến Đài Phát thanh Sài Gòn để đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.

Danh sách các tỉnh được giải phóng: Sài Gòn, Bình Dương, Gò Công, Mỹ Tho, Cần Thơ, Kiến Phong, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Rạch Giá, Hà Tiên, Long An...

KẾT QUẢ: Chính quyền Sài Gòn đầu hàng

VỀ PHÍA VIỆT NAM CỘNG HOÀ: Lúc 9h30, Tổng thống VNCH Dương Văn Minh tuyên bố trên đài phát thanh kêu gọi binh sĩ VNCH "ngưng nổ súng, ở đâu ở đó" để "bàn giao chánh quyền trong vòng trật tự". Trưa cùng ngày, ông Dương Văn Minh được Quân Giải phóng áp giải ra Đài phát thanh Sài Gòn để đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Tổng thống cuối cùng của VNCH tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn. Từ trung ương đến địa phương trao lại cho Chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam Việt Nam.

Ngày 1/5/1975

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, từ đầu tháng 4/1975, Bộ Tư lệnh Hải quân sử dụng ngay Ðoàn 125 vừa vận chuyển lực lượng, vũ khí đạn dược cho Nam Bộ vừa chuẩn bị lực lượng sẵn sàng đánh chiếm các đảo khi thời cơ đến.

Quân khu 5 và Bộ Tư lệnh Hải quân được giao nhiệm vụ cấp tốc triển khai kế hoạch tác chiến. Lực lượng tham gia giải phóng quần đảo Trường Sa gồm: Ðội 1 Ðoàn 126 đặc công, một bộ phận hỏa lực thuộc Tiểu đoàn 471 Quân khu 5, các tàu vận tải 673, 674, 675 của Ðoàn 125 dưới sự chỉ huy của đồng chí Mai Năng (Ðoàn trưởng Ðoàn 126). Mục tiêu là các đảo: Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, Trường Sa.

4h30 ngày 14/4/1975, quân ta nổ súng giải phóng đảo Song Tử Tây. Sau hơn một giờ chiến đấu, ta làm chủ hoàn toàn trận địa. Tiếp đó, quân ta nhanh chóng giải phóng các đảo còn lại: Sơn Ca (ngày 25/4), Nam Yết và Sinh Tồn (ngày 27/4). 16h ngày 28/4, bộ đội ta tiếp tục giải phóng đảo Trường Sa, đảo xa nhất nằm ở phía nam của quần đảo. 9h30 ngày 29/4/1975, ta làm chủ đảo Trường Sa.

Cùng với giải phóng quần đảo Trường Sa, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 chỉ đạo lực lượng vũ trang phối hợp với du kích và nhân dân giải phóng Cù lao Xanh (ngày 1/4), Cù lao Chàm, Cù lao Ré (ngày 30/4). Ðặc biệt, từ ngày 10/4/1975, bộ đội đặc công tỉnh Khánh Hòa và một tiểu đoàn của Trung đoàn 19 Sư đoàn 968 đã giải phóng đảo Hòn Tre. Ðồng thời, Hải quân nhân dân Việt Nam phối hợp với các lực lượng tiến đánh Cù lao Thu và một số đảo lớn thuộc địa bàn cực Nam Trung Bộ (ngày 27/4). 18h ngày 1/5, ta làm chủ Côn Ðảo, giải phóng hoàn toàn các đảo và quần đảo ở phía nam Biển Đông.

Danh sách các tỉnh được giải phóng:Vĩnh Long, Chương Thiện, Cà Mau, Long Xuyên, Châu Đốc, Bến Tre, Kiến Tường, Sa Đéc...

























e-LECTURER.vn -Triết học và ứng dụng

0 Nhận xét