Thực tiễn và vai trò của thực tiễn đối với nhận thức





Thực tiễn và vai trò của thực tiễn đối với nhận thức

- Phạm trù thực tiễn: thực tiễn là toàn bộ hoạt động vật chất - cảm tính có mục đích, có tính lịch sử - xã hội của con người nhằm cải tạo tự nhiên và xã hội.

Ba đặc trưng cơ bản của thực tiễn:

+ Tính trực quan cảm tính: thực tiễn không phải toàn bộ hoạt động của con người mà chỉ là những hoạt động vật chất - cảm tính, tức là những hoạt động vật chất của con người có thể được phản ánh bằng các giác quan.

+ Tính mục đích: thực tiễn là hoạt động có ý thức, có tính mục đích, khác với hoạt động mang tính bản năng của loài vật.

+ Tính lịch sử - xã hội: thực tiễn không phải là những hoạt động thuần túy mang tính cá nhân mà luôn bị quy định bởi những điều kiện lịch sử - xã hội cụ thể, vì vậy thực tiễn không bất biến mà thay đổi tùy vào hoàn cảnh lịch sử - xã hội.

Ba hình thức cơ bản của thực tiễn: hoạt động sản xuất vật chất; hoạt động chính trị - xã hội và hoạt động thực nghiệm khoa học; trong đó, hoạt động sản xuất vật chất là hình thức thực tiễn có sớm nhất, cơ bản nhất, quan trọng nhất, vì ngay từ khi con người mới xuất hiện trên trái đất đã phải tiến hành sản xuất vật chất dù là giản đơn để tồn tại.

+ Hoạt động sản xuất vật chất: là hình thức hoạt động cơ bản, đầu tiên của thực tiễn, là hoạt động mà trong đó con người sử dụng những công cụ lao động tác động vào tự nhiên để tạo ra của cải vật chất nhằm duy trì sự tồn tại và phát triển của mình.

+ Hoạt động chính trị - xã hội: là hoạt động của các tổ chức cộng đồng người khác nhau trong xã hội nhằm cải biến những mối quan hệ xã hội để thúc đẩy xã hội phát triển.

+ Hoạt động thực nghiệm khoa học: là những quá trình nghiên cứu khoa học không chỉ xảy ra trong tư duy nhà nghiên cứu mà còn được thí nghiệm, thực nghiệm và ứng dụng trong hiện thực và do đó có tính vật chất - cảm tính.


- Vai trò của thực tiễn đối với nhận thức

+ Thực tiễn là cơ sở của nhận thức: nhận thức ngay từ đầu đều xuất phát từ thực tiễn, từ nhu cầu tồn tại và phát triển của con người. Thông qua hoạt động thực tiễn, thế giới khách quan bộc lộ những thuộc tính là cơ sở dữ liệu cho hoạt động nhận thức, con người tạo ra những công cụ ngày càng tinh vi giúp nối dài khí quan vật chất của con người, giúp con người nhận thức thế giới sâu sắc hơn.

+ Thực tiễn là động lực của nhận thức: thực tiễn luôn biến đổi, luôn đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ mới cần được nhận thức và giải quyết.

+ Thực tiễn là mục đích của nhận thức: mục đích cuối cùng của nhận thức là quay trở về phục vụ thực tiễn, định hướng và chỉ đạo thực tiễn.

+ Thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý: thực tiễn đóng vai trò là tiêu chuẩn, thước đo giá trị của những tri thức đã đạt được trong nhận thức, từ đó bổ sung, điều chỉnh, sửa chữa, phát triển và hoàn thiện nhận thức. Nhận thức của con người phải được kiểm tra trong thực tiễn, nếu chưa hoàn thiện thì bổ sung, nếu sai lầm thì bác bỏ. Trong thực tiễn con người phải chứng minh chân lý.

Từ vai trò của thực tiễn đối với nhận thức, chúng ta cần phải quán triệt quan điểm thực tiễn trong nhận thức và hoạt động. Quan điểm thực tiễn yêu cầu nhận thức sự vật phải gắn với nhu cầu thực tiễn; phải lấy thực tiễn làm tiêu chuẩn kiểm tra sự đúng sai của kết quả nhận thức; tăng cường tổng kết thực tiễn để rút ra những kết luận góp phần bổ sung, hoàn thiện, phát triển nhận thức, lý luận.

-----

Nguồn: Mai K Đa, Bùi Quang Hưng (2023), Triết học Mác – Lênin: một tóm tắt rất ngắn gọn. Tài liệu hỗ trợ học tập - Lưu hành nội bộ. Url: http://www.elibrary.vn/p/triet-hoc-mac-lenin-tom-tat.html



e-LECTURER.vn
Blog chia sẻ tài liệu hữu ích cho giảng viên, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh!




0 Nhận xét