Cặp phạm trù Cái riêng và cái chung

Cái riêng và cái chung

- Các khái niệm

Cái riêng là phạm trù dùng để chỉ một sự vật, hiện tượng, quá trình riêng lẻ nhất định. Cái chung là phạm trù dùng để chỉ những mặt, những thuộc tính, những yếu tố, những quan hệ... lặp lại phổ biến ở nhiều sự vật, hiện tượng. Cái đơn nhất là phạm trù dùng để chỉ những mặt, những thuộc tính, những yếu tố, những quan hệ... chỉ tồn tại ở một sự vật, hiện tượng nào đó mà không lặp lại ở các sự vật, hiện tượng khác.

- Mối liên hệ biện chứng giữa cái riêng, cái chung và cái đơn nhất

+ Cả cái chung và cái riêng đều tồn tại khách quan, giữa chúng có mối quan hệ biện chứng với nhau. Cái chung chỉ tồn tại trong cái riêng, thông qua cái riêng mà biểu hiện sự tồn tại của mình [1]. Cái riêng chỉ tồn tại trong mối liên hệ với cái chung [2]. Cái riêng là cái toàn bộ, phong phú hơn cái chung; còn cái chung là cái bộ phận nhưng sâu sắc hơn cái riêng [3].

+ Cái chung và cái đơn nhất có thể chuyển hóa cho nhau trong những điều kiện nhất định. Cái chung có thể chuyển hóa thành cái đơn nhất, đó là quá trình tồn tại và tiêu vong dần dần của cái cũ. Cái đơn nhất chuyển hóa thành cái chung, đó là quá trình ra đời và phát triển của cái mới.

- Ý nghĩa phương pháp luận Vì cái chung chỉ tồn tại trong cái riêng, nên muốn tìm cái chung phải xuất phát từ quan sát những cái riêng. Vì cái chung thường thể hiện thuộc tính bản chất của cái riêng nên phải dựa vào nhận thức cái chung để cải tạo cái riêng và khi vận dụng cái chung vào cái riêng, phải cá biệt hóa cho phù hợp với đặc điểm của từng cái riêng. Trong hoạt động thực tiễn, cần tạo điều kiện để cái chung bất lợi và cái đơn nhất có lợi có thể chuyển hóa cho nhau.

[1] Nghĩa là không có cái chung nào tồn tại thuần túy tách rời cái riêng. Sở dĩ cái chung được gọi là cái chung vì nó được khái quát từ những cái riêng
[2] Nghĩa là không có cái riêng nào tồn tại tuyệt đối độc lập mà lại không có mối liên hệ với cái chung. Sở dĩ cái riêng được gọi là cái riêng vì nó được xem xét trong quan hệ với cái chung
[3] Cái chung sâu sắc hơn cái riêng vì nó phản ánh những thuộc tính chung bản chất lặp đi lặp lại ở nhiều sự vật. Còn cái riêng phong phú hơn cái chung vì nó là cái tổng hợp của cái chung và cái đơn nhất

-----

Nguồn: Mai K Đa, Bùi Quang Hưng (2023), Triết học Mác – Lênin: một tóm tắt rất ngắn gọn. Tài liệu hỗ trợ học tập - Lưu hành nội bộ. Url: http://www.elibrary.vn/p/triet-hoc-mac-lenin-tom-tat.html







e-LECTURER.vn
Blog chia sẻ tài liệu hữu ích cho giảng viên, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh!




0 Nhận xét