Các giai đoạn của quá trình nhận thức



Các giai đoạn của quá trình nhận thức

V.I. Lênin đã khái quát con đường biện chứng của quá trình nhận thức: “Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, và từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn - đó là con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý, của sự nhận thức thực tại khách quan”. Nhận thức là một quá trình trải qua hai giai đoạn: đi từ nhận thức cảm tính (trực quan sinh động) đến nhận thức lý tính (tư duy trừu tượng).

- Nhận thức cảm tính là giai đoạn đầu tiên của quá trình nhận thức, là giai đoạn con người nhận thức khách thể trực tiếp bằng các giác quan. Nhận thức cảm tính gồm 3 hình thức cơ bản từ thấp đến cao như sau: cảm giác, tri giác, biểu tượng.

+ Cảm giác: sự phản ánh những thuộc tính riêng lẻ của sự vật, hiện tượng khi chúng trực tiếp tác động lên các giác quan của con người.

+ Tri giác: hình ảnh tương đối toàn vẹn về sự vật khi sự vật đó đang trực tiếp tác động lên các giác quan, nảy sinh dựa trên cơ sở của cảm giác, là sự tổng hợp của nhiều cảm giác.

+ Biểu tượng: hình thức phản ánh cao nhất và phức tạp nhất của giai đoạn nhận thức cảm tính, là hình ảnh cảm tính và tương đối hoàn chỉnh còn lưu lại trong bộ óc người về sự vật khi sự vật đó không còn trực tiếp tác động vào các giác quan.

- Nhận thức lý tính là giai đoạn cao hơn của quá trình nhận thức, là sự phản ánh gián tiếp, trừu tượng và khái quát những thuộc tính, những đặc điểm, bản chất của sự vật khách quan. Nhận thức lý tính cũng bao gồm 3 hình thức cơ bản đi từ thấp đến cao: khái niệm, phán đoán, suy luận.

+ Khái niệm: hình thức cơ bản của nhận thức lý tính, phản ánh khái quát, gián tiếp một, hoặc một số thuộc tính chung có tính bản chất nào đó của một nhóm sự vật, hiện tượng được biểu thị bằng một từ hay một cụm từ.

+ Phán đoán: hình thức của tư duy liên kết các khái niệm lại với nhau để khẳng định hoặc phủ định một đặc điểm, một thuộc tính nào đó của đối tượng.

+ Suy luận: hình thức của tư duy liên kết các phán đoán lại với nhau để rút ra tri thức mới

Nhận thức lý tính khác với nhận thức cảm tính ở chỗ, nó đã phản ánh, khái quát, trừu tượng, gián tiếp sự vật, hiện tượng trong tính tất yếu, chỉnh thể toàn diện. Vì vậy, nhận thức lý tính có thể phản ánh được mối liên hệ bản chất, tất nhiên, bên trong của sự vật, phản ánh sự vật, hiện tượng sâu sắc hơn nhận thức cảm tính; đồng thời nó luôn hàm chứa nguy cơ xa rời hiện thực. Nhận thức lý tính phải được gắn liền với thực tiễn và được kiểm tra bởi thực tiễn. Đây cũng là thực chất bước chuyển từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn.

- Sự thống nhất giữa trực quan sinh động, tư duy trừu tượng và thực tiễn

Một vòng khâu của quá trình nhận thức được bắt đầu từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng và từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn; trong đó, thực tiễn vừa là cơ sở, vừa là khâu kết thúc và đồng thời có vai trò kiểm tra tính chân thực các kết quả nhận thức.

Vòng khâu của nhận thức từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng và từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn, được lặp đi lặp lại nhưng sâu hơn về bản chất, cũng chính là quá trình giải quyết những mâu thuẫn không ngừng nảy sinh trong nhận thức, là mâu thuẫn giữa chưa biết và biết, giữa biết ít và biết nhiều, giữa chân lý và sai lầm, v.v.. Cứ mỗi khi mâu thuẫn được giải quyết thì nhận thức của con người lại tiến gần tới chân lý hơn.

-----

Nguồn: Mai K Đa, Bùi Quang Hưng (2023), Triết học Mác – Lênin: một tóm tắt rất ngắn gọn. Tài liệu hỗ trợ học tập - Lưu hành nội bộ. Url: http://www.elibrary.vn/p/triet-hoc-mac-lenin-tom-tat.html




e-LECTURER.vn
Blog chia sẻ tài liệu hữu ích cho giảng viên, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh!




0 Nhận xét