Quan hệ biện chứng giữa TTXH và YTXH, tính độc lập tương đối của YTXH - Tóm tắt ngắn ngọn


Quan hệ biện chứng giữa TTXH và YTXH, tính độc lập tương đối của YTXH

* Vai trò quyết định của TTXH đối với YTXH

TTXH quyết định YTXH vì YTXH là sự phản ánh TTXH, phụ thuộc vào TTXH. TTXH là nguồn gốc khách quan, là cơ sở của sự hình thành, ra đời của YTXH. TTXH quyết định nội dung, tính chất, đặc điểm của các hình thái YTXH. TTXH thay đổi thì kéo theo sự thay đổi của YTXH.

TTXH thay đổi thì kéo theo sự thay đổi của YTXH, tuy nhiên, mức độ và nhịp điệu thay đổi của các bộ phận YTXH diễn ra khác nhau, có những bộ phận biến đổi nhanh, có những bộ phận biến đổi chậm.

Trong xã hội có giai cấp thì YTXH cũng mang tính giai cấp. Tuy nhiên, không phải bất cứ tư tưởng, quan niệm, lý luận hình thái YTXH nào cũng phản ánh rõ ràng và trực tiếp những quan hệ kinh tế của thời đại mà chỉ khi nào xét đến cùng thì chúng ta mới thấy rõ những mối quan hệ kinh tế được phản ánh bằng cách này hay cách khác trong các tư tưởng ấy.

* Tính độc lập tương đối của ý thức xã hội

- YTXH thường lạc hậu hơn so với TTXH: YTXH là cái phản ánh nên là cái có sau TTXH, TTXH cũ bị thay thế bằng TTXH mới, phương thức sản xuất cũ mất đi, phương thức sản xuất mới ra đời nhưng YTXH cũ chưa mất đi. Tính lạc hậu được biểu hiện trong YTXH thông thường, ý thức lý luận và đặc biệt là trong tâm lý xã hội, tình cảm, ước muốn, thói quen, tập quán.

Nguyên nhân: Do tác động mạnh mẽ và nhiều mặt trong hoạt động thực tiễn của con người nên TTXH diễn ra với tốc độ nhanh hơn khả năng phản ánh của YTXH; Do sức mạnh của thói quen, tập quán, truyền thống và do cả tính bảo thủ của hình thái ý thức xã hội; YTXH gắn liền với lợi ích của những tập đoàn người, của các giai cấp nào đó trong xã hội, tìm cách bảo vệ và duy trì quyền lợi ích kỷ của họ, để chống lại các lực lượng tiến bộ trong xã hội.

- YTXH có thể vượt trước TTXH: trong những điều kiện nhất định, những tư tưởng khoa học tiên tiến có thể vượt trước sự phát triển của TTXH, dự báo tương lai, tổ chức, chỉ đạo hoạt động thực tiễn của con người.

- Tính kế thừa trong sự phát triển của YTXH: Ý thức của một thời đại không chỉ phản ánh TTXH ấy mà còn tiếp thu yếu tố tư tưởng của thời đại trước.

- Sự tác động qua lại giữa các hình thái YTXH: Các hình thái YTXH phản ánh TTXH bằng những hình thức và phương diện khác nhau nhưng giữa chúng có sự tác động qua lại và ảnh hưởng lẫn nhau. Trong mỗi thời đại, thường có những hình thái YTXH nào đó nổi lên hàng đầu, tập trung ý thức của thời đại đó và tác động mạnh đến các hình thái YTXH khác. Triết học có vai trò đặc biệt quan trọng, có chức năng thế giới quan và phương pháp luận để từ đó hình thành nhân sinh quan của con người.

- YTXH tác động trở lại TTXH : Bản thân YTXH tự nó không trực tiếp làm biến đổi TTXH mà phải thông qua hoạt động thực tiễn. Ý thức tác động thông qua hoạt động nên ảnh hưởng đến kết quả hoạt động: tác động tích cực khi ý thức, tư tưởng tiến bộ, cách mạng, phản ánh đúng hiện thực khách quan; tác động tiêu cực khi ý thức, tư tưởng lạc hậu, phản ánh không đúng hiện thực khách quan.

Mức độ tác động của YTXH đối với TTXH phụ thuộc vào điều kiện lịch sử cụ thể; tính chất các mối quan hệ kinh tế làm nảy sinh tư tưởng đó; vai trò của giai cấp đề ra tư tưởng đó; mức độ phản ánh đúng đắn của tư tưởng đó và mức độ triển khai thực hiện tư tưởng đó trong quần chúng.

-----

Nguồn: Mai K Đa, Bùi Quang Hưng (2023), Triết học Mác – Lênin: một tóm tắt rất ngắn gọn. Tài liệu hỗ trợ học tập - Lưu hành nội bộ. Url: http://www.elibrary.vn/p/triet-hoc-mac-lenin-tom-tat.html



e-LECTURER.vn
Blog chia sẻ tài liệu hữu ích cho giảng viên, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh!




0 Nhận xét