Giai cấp và đấu tranh giai cấp - Tóm tắt ngắn ngọn

Giai cấp và đấu tranh giai cấp

a) Giai cấp

Trong tác phẩm Sáng kiến vĩ đại, V.I. Lênin đã đưa ra một định nghĩa khoa học về giai cấp như sau: “Người ta gọi là giai cấp, những tập đoàn người to lớn gồm những người khác nhau về địa vị của họ trong một hệ thống sản xuất xã hội nhất định trong lịch sử, khác nhau về quan hệ của họ (thường thường thì những quan hệ này được pháp luật quy định và thừa nhận) đối với tư liệu sản xuất, về vai trò của họ trong tổ chức lao động xã hội và như vậy là khác nhau về cách thức hưởng thụ và về phần của cải xã hội ít hoặc nhiều mà họ được hưởng. Giai cấp là tập đoàn người, mà tập đoàn này có thể chiếm đoạt lao động của tập đoàn khác, do chỗ tập đoàn đó có địa vị khác nhau trong một chế độ kinh tế - xã hội nhất định”.

Các đặc trưng cơ bản của giai cấp: giai cấp là những tập đoàn người có địa vị kinh tế - xã hội khác nhau trong một hệ thống sản xuất xã hội nhất định trong lịch sử. Dấu hiệu chủ yếu quy định địa vị kinh tế - xã hội của các giai cấp là các mối quan hệ kinh tế - vật chất giữa các tập đoàn người trong phương thức sản xuất. Thực chất của quan hệ giai cấp là quan hệ giữa bóc lột và bị bóc lột, là tập đoàn người này chiếm đoạt lao động của tập đoàn người khác do đối lập về địa vị trong một chế độ kinh tế - xã hội nhất định. Giai cấp là một phạm trù kinh tế - xã hội có tính lịch sử, sẽ tiêu vong khi các điều kiện kinh tế - xã hội của nó không còn nữa.

* Nguồn gốc giai cấp

Nguyên nhân sâu xa của sự xuất hiện giai cấp: sự phát triển của LLSX làm cho năng suất lao động tăng lên, xuất hiện của cải dư thừa, tạo khả năng khách quan cho tập đoàn người này chiếm đoạt lao động của tập đoàn người khác.

Nguyên nhân trực tiếp đưa tới sự xuất hiện giai cấp: sự ra đời chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất. Chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất là cơ sở trực tiếp của sự hình thành các giai cấp.

* Kết cấu xã hội - giai cấp

Trong một kết cấu xã hội bao giờ cũng gồm có hai giai cấp cơ bản và những giai cấp không cơ bản, hoặc các tầng lớp xã hội trung gian. Giai cấp cơ bản là giai cấp gắn với phương thức sản xuất thống trị, là sản phẩm của những phương thức sản xuất thống trị nhất định. Đó là giai cấp chủ nô và nô lệ trong xã hội chiếm hữu nô lệ, giai cấp địa chủ và nông dân trong xã hội phong kiến, giai cấp tư sản và vô sản trong xã hội tư bản chủ nghĩa. Những giai cấp không cơ bản là những giai cấp gắn với phương thức sản xuất tàn dư, hoặc mầm mống trong xã hội.

Trong xã hội có giai cấp, ngoài những giai cấp cơ bản và không cơ bản còn có các tầng lớp và nhóm xã hội nhất định (như tầng lớp trí thức, nhân sĩ, giới tu hành...).

b) Đấu tranh giai cấp

Đấu tranh giai cấp là cuộc đấu tranh của các tập đoàn người to lớn có lợi ích căn bản đối lập nhau trong một phương thức sản xuất nhất định. Đấu tranh giai cấp là tất yếu do sự đối lập về lợi ích căn bản không thể điều hòa được giữa các giai cấp. Thực chất của đấu tranh giai cấp là cuộc đấu tranh của quần chúng lao động bị áp bức, bóc lột chống lại giai cấp áp bức, bóc lột nhằm lật đổ ách thống trị của chúng. Trong xã hội có giai cấp, đấu tranh giai cấp là động lực quan trọng, trực tiếp của lịch sử.

c) Đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản

Đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản khi chưa có chính quyền có 3 hình thức cơ bản, có quan hệ chặt chẽ với nhau, hỗ trợ lẫn nhau, đó là: đấu tranh kinh tế, đấu tranh chính trị và đấu tranh tư tưởng. Trong đó, đấu tranh chính trị là hình thức đấu tranh cao nhất của giai cấp vô sản. Mục tiêu của đấu tranh chính trị là đánh đổ ách thống trị của giai cấp tư sản, giành chính quyền về tay giai cấp vô sản.

Đấu tranh giai cấp trong thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội diễn ra trong điều kiện mới, khi chính quyền đã về tay giai cấp vô sản, với mục tiêu xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, tất yếu phải có hình thức mới, phải sử dụng tổng hợp các hình thức đấu tranh, bằng bạo lực và hòa bình, bằng quân sự và kinh tế, bằng giáo dục và hành chính...

Đấu tranh giai cấp trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay: nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Về thực chất, đây là cuộc đấu tranh giữa các nhân tố thúc đẩy với các nhân tố cản trở sự phát triển của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

-----

Nguồn: Mai K Đa, Bùi Quang Hưng (2023), Triết học Mác – Lênin: một tóm tắt rất ngắn gọn. Tài liệu hỗ trợ học tập - Lưu hành nội bộ. Url: http://www.elibrary.vn/p/triet-hoc-mac-lenin-tom-tat.html



e-LECTURER.vn
Blog chia sẻ tài liệu hữu ích cho giảng viên, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh!




0 Nhận xét