Khái niệm Triết học (triết học sau đại học)
Giáo trình Triết học (Dùng cho khối không chuyên ngành Triết học trình độ đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ các ngành khoa học tự nhiên, công nghệ)
Là một loại hình nhận thức đặc thù của con người, ý thức triết học ra đời gần như cùng một thời gian (khoảng từ thế kỷ VIII đến thế kỷ VI Tr.CN) ở cả phương Đông và phương Tây tại các trung tâm văn minh lớn của nhân loại thời Cổ đại.
Ở Trung Quốc, chữ triết (哲), triết học (哲学) được hiểu là sự truy tìm bản chất của đối tượng nhận thức, thường là con người, xã hội, vũ trụ và tư tưởng. Triết học là biểu hiện cao của trí tuệ, là sự hiểu biết sâu sắc của con người về toàn bộ thế giới thiên - địa - nhân và định hướng nhân sinh quan cho con người.
Ở Ấn Độ, thuật ngữ Dar'sana (triết học) nghĩa gốc là chiêm ng ng, hàm ý là tri thức dựa trên lý trí, là con đường suy ng m để dẫn dắt con người đến với lẽ phải.
Ở phương Tây, thuật ngữ triết học xuất hiện ở Hy Lạp cổ đại. Triết học, Philosophia, nghĩa là yêu mến sự thông thái. Với người Hy Lạp Cổ đại, philosophia vừa mang nghĩa là giải thích vũ trụ, định hướng nhận thức và hành vi, vừa nhấn mạnh đến khát vọng tìm kiếm chân lý của con người.
Như vậy, cả ở Đông và Tây, ngay từ đầu, triết học đã là hoạt động tinh thần bậc cao, là loại hình nhận thức có trình độ trừu tượng hóa và khái quát hóa rất cao. Triết học nhìn nhận và đánh giá đối tượng xuyên qua thực tế, xuyên qua hiện tượng quan sát được về con người và vũ trụ. Ngay cả khi còn bao gồm trong nó tất cả mọi thành tựu của nhận thức, triết học đã tồn tại với tính cách là một hình thái ý thức xã hội.
Có rất nhiều định nghĩa khác nhau về triết học, nhưng định nghĩa nào cũng đều bao hàm những nội dung cơ bản sau: Triết học nghiên cứu toàn bộ vũ trụ và con người (hay thế giới, con người, xã hội và tư duy) trong hệ thống chỉnh thể toàn vẹn vốn có của nó, giải thích tất cả các quan hệ trong và ngoài các chỉnh thể đó, chỉ ra những quy luật phổ biến nhất chi phối, quy định sự vận động của các chỉnh thể, tức là của vũ trụ, của xã hội loài người, của con người và của tư duy, tư tưởng và thể hiện toàn bộ sự hiểu biết đó dưới dạng các tri thức hệ thống về thế giới quan và nhân sinh quan.
“Từ điển bách khoa triết học mới” của Viện Triết học Nga xuất bản năm 2001 viết: “Triết học là hình thức đặc biệt của nhận thức và ý thức xã hội về thế giới, được thể hiện thành hệ thống tri thức về những nguyên tắc cơ bản và nền tảng của tồn tại người, về những đặc trưng bản chất nhất của mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, với xã hội và với đời sống tinh thần” (Института философии, Российской Aкадемии Hayк (2001). Новая философская энциклопедия T.4. Москва “мысль”. c. 195).
Như vậy, có thể hiểu: Triết học là hệ thống tri thức lý luận phổ quát nhất của con người về thế giới, về vị thế và khả năng của con người trong thế giới ấy.
Triết học ra đời do hoạt động của con người phục vụ nhu cầu sống và nhận thức của mình. Triết học gần hay xa thực tiễn cũng đều ra đời từ thực tiễn, ở nhu cầu của thực tiễn. Triết học có nguồn gốc xã hội, song với tư cách là hệ thống tri thức lý luận chung nhất, triết học không thể xuất hiện ở thời tiền sử, mà chỉ có thể xuất hiện trong những điều kiện nhất định của sự phát triển xã hội:
Tri thức của con người đã đã đạt đến trình độ một vốn hiểu biết nhất định và có khả năng rút ra được cái chung trong muôn vàn những sự kiện, hiện tượng riêng lẻ.
Xã hội đã phát triển đến thời kỳ hình thành tầng lớp lao động trí óc. Tầng lớp này có khả năng nghiên cứu, hệ thống hóa các quan điểm, quan niệm rời rạc lại thành học thuyết, thành lý luận và triết học ra đời.
Ngày nay, triết học thường được thừa nhận là một hình thái ý thức xã hội, bên cạnh (hay cao hơn) khoa học và với tôn giáo, độc lập tương đối với khoa học và với tôn giáo. Cũng có những quan niệm coi triết học (toàn bộ triết học hay một trường phái nào đó của triết học) là khoa học, mang tính khoa học. Trong hệ thống phân loại khoa khoa học tại các trung tâm giáo dục thế giới, triết học thường có mã ngành khoa học riêng, nó được xếp vào hàng các khoa học trừu tượng nhất.
Triết học Mác – Lênin được các nhà triết học Mácxít coi là triết học khoa học.
e-LECTURER.vn
Blog chia sẻ tài liệu hữu ích cho giảng viên, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh!
0 Nhận xét